Sáng ngày 27/4/2012, tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra Lễ mít tinh kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; khai mạc Triển lãm - Hội chợ thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tham dự buổi Lễ có Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Đ/c. Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư; Đ/c. Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đ/c. Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Đ/c. Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam; các đồng chí là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương, các Mẹ Việt Nam anh hùng, lão thành cách mạng; hơn 20 vị đại sứ, trưởng đại diện các cơ quan ngoại giao cùng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long.Có thể nói, đây là sự kiện rất có ý nghĩa về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khẳng định thành tựu phát triển 10 năm các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị và huy động các chương trình an sinh xã hội cho vùng; tổ chức các hội nghị và hội thảo nhằm tìm ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả để đề xuất cơ chế, chính sách phát triển vùng ĐBSCL trong 10 năm tới.Bên cạnh đó, Triển lãm - Hội chợ cũng là dịp để huy động sự đóng góp của toàn xã hội nhằm giúp đỡ người nghèo, gia đình chính sách, thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với vùng ĐBSCL giàu truyền thống nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Triển lãm - Hội chợ còn là cơ hội tốt để vùng ĐBSCL giới thiệu lợi thế, tiềm năng phát triển, đưa vùng ĐBSCL đến với cả nước và quốc tế.Triển lãm - hội chợ đã thu hút khoảng 500 doanh nghiệp, đơn vị tham gia gần 1.200 gian hàng. Trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra nhiều hoạt động phong phú như triển lãm các loại hình văn hóa phi vật thể đặc trưng bốn dân tộc (Kinh, Hoa, Chăm, Khmer), triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật với chủ đề “Tây Nam bộ - 10 năm thành tựu và liên kết phát triển”; giao lưu văn hóa nghệ thuật dân tộc, hội thi “Giọng hát hay với những ca khúc truyền thống cách mạng”, chương trình sắc màu văn hóa đồng bằng, lễ hội ẩm thực món ngon Nam bộ, các hội thảo “Cơ giới hóa nông nghiệp phục vụ sản xuất lúa gạo hàng hóa - mô hình cánh đồng mẫu lớn”, “Phát triển thị trường tín dụng và dịch vụ ngân hàng ở vùng ĐBSCL”, “Tham vấn định hướng chiến lược phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu đến năm 2100”, hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển ĐBSCL...

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại Lễ khai mạc
Phát biểu tại Lễ khai mạc, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã biểu dương những kết quả đạt được và sự phấn đấu, nỗ lực của đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL trong giai đoạn vừa qua.
Phó Thủ tướng cho rằng, để góp phần cùng cả nước thực hiện thành công nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để vùng ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững, trước hết cần tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của từng tỉnh, thành phố và vùng, xây dựng vùng ĐBSCL trở thành vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia, vùng nông nghiệp sản xuất lớn và hiện đại của cả nước với chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng cao, cùng với đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quy hoạch của từng tỉnh, thành phố và cả vùng, trong đó quan tâm đến quy hoạch hạ tầng giao thông, thủy lợi và quy hoạch sản xuất; chú trọng liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và với cả nước, hướng đến mô hình phát triển có tính tập trung, chuyên sâu và liên kết cao.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng yêu cầu các bộ, ngành cùng với địa phương ĐBSCL cần tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong các lĩnh vực mang tính quyết định đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng tỉnh, thành phố và cả vùng.
Cùng với đó, vùng ĐBSCL cần kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, xã hội, chăm lo và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động; bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Với đặc thù của các địa phương vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị cần chủ động phòng tránh và ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thực hiện phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế - xã hội với sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái.

Ông Nguyễn Phong Quang Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo
Tây Nam Bộ phát biểu khai mạc Triển Lãm
Tại buổi Lễ, ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã đọc diễn văn ôn lại những mốc son lịch sử chói lọi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
Những đóng góp nổi bật của vùng ĐBSCL vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước:
Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị và quốc phòng của đất nước; là khu vực có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp, dầu khí và du lịch; đồng thời cũng là vùng có đường biên giới thuận lợi trong quan hệ giao thương với các nước khu vực ASEAN.
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, tầm quan trọng và yêu cầu phát triển đối với vùng ĐBSCL, ngày 20/1/2003, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 - 2010; đây là cơ sở, tiền đề và định hướng quan trọng để đưa vùng ĐBSCL phát triển nhanh và toàn diện.

Lễ diễu binh, diễu hành
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, nhờ sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, sự tham gia, đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Trong 10 năm qua, tăng trưởng kinh tế bình quân toàn vùng đạt mức 11,7%, cao hơn nhiều so với mức 7% năm 2001 và bình quân cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tính cực, với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao; vùng ĐBSCL trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản hàng đầu của cả nước, đưa Việt Nam từ một nước khó khăn về lương thực trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng hàng thứ 2 thế giới.
Cùng với phát triển kinh tế, vùng tăng cường đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thủy lợi. Vùng đã quan tâm đến phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27% năm 2001 xuống còn 10% năm 2010 tính theo chuẩn mới.
Trong những năm gần đây, kinh tế trong nước chịu nhiều tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính, nợ công và suy giảm kinh tế toàn cầu nhưng vùng ĐBSCL, đặc biệt là nông nghiệp vẫn phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng để chúng ta vượt qua khó khăn, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị trong phạm vi cả nước.
Những thành tựu to lớn đạt được trong những năm qua đã khẳng định Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL đã thực sự đi vào cuộc sống; vùng đã đi đúng hướng trong việc phát huy tiềm năng, lợi thế của riêng mình; qua đó, đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước trong phát kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng giai đoạn 2001-2010.

Đoàn diễu hành của ngành Ngân hàng
Ngành Ngân hàng với nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL:
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL nói riêng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong phát triển kinh tế đất nước nói cung, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) luôn có chủ trương ưu tiên hàng đầu cho tín dụng nông nghiệp nông thôn, trong đó có tín dụng cho phát triển kinh vùng ĐBSCL. Chủ trương này đã được thể hiện qua nhiều cơ chế, chính sách trong hoạt động tiền tệ ngân hàng và được các tổ chức tín dụng (TCTD) đưa vào cuộc sống một cách sinh động và hiệu quả, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế xã hội của ĐBSCL.
Với mạng lưới 318 điểm giao dịch của 47 tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang đầu tư một lượng vốn lớn cho tất cả các lĩnh vực kinh tế và xã hội trong vùng. Tổng dư nợ sau 10 năm đã tăng hơn 10 lần đạt gần 250 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn với các vùng kinh tế khác trong cả nước. Cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng bình quân 21%/năm.
NHNN chỉ đạo các TCTD, nhất là các NHTM nhà nước tập trung vốn cho vay thu mua lương thực với doanh số hàng chục ngàn tỷ đồng, dư nợ cuối năm 2011 đạt 16.271 tỷ đồng. Đặc biệt năm 2010, 2011 thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chương trình cho vay tạm trữ lúa gạo với lãi suất ưu đãi, NHNN đã kịp thời có văn bản chỉ đạo các NHTMNN tập trung cho vay tạm trữ lúa gạo khoảng 1 triêu tấn/năm nhằm hỗ trợ người nông dân không bị ép giá, rớt giá khi được mùa...
Vốn tín dụng ngân hàng còn được tập trung vào các ngành nghề là thế mạnh và có tiềm năng lớn của vùng; đầu tư cho các dự án trọng điểm, các công trình kinh tế lớn; nhiều con đường, cây cầu, cảng hàng không hiện đại đã và đang hoàn thành, giúp cho việc thông thương giữa các tỉnh, thành phố được thuận lợi, hệ thống thủy lợi, cụm, tuyến dân cư, nhà ở vùng ngập sâu và xây dựng phát triển đô thị được quan tâm đầu tư, nhà máy điện gió Bạc Liêu….đã và đang đi vào khai thác, góp phần thay đổi mạnh mẽ bộ mặt kinh tế khu vực. Bên cạnh tín dụng, các dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng, hiện đại để phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và người dân trong vùng.
Trong những năm gần đây, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải chủ động đàm phán ký kết một số hiệp định vay vốn theo chương trình của Chính phủ với các tổ chức tài chính quốc tế, tạo lập nguồn vốn lớn với mức lãi suất ưu đãi để đầu tư nhiều dự án lớn phát triển cơ sở hạ tầng về giao thông, năng lượng cho phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL. Điển hình như: Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận 19.500 tỷ; dự án Cầu Cần Thơ gần 5000 tỷ đồng; dự án cảng hàng không Phú Quốc 8000 tỷ ; 3 dự án lớn về điện là dự án điện gió Bạc Liêu 4.500 tỷ đồng, dự án cụm khí điện đạm Cà Mau với tổng mức đầu tư dự kiến khi thực hiện xong lên tới 2 tỷ USD; dự án nhiệt điện Ô Môn 6.666 tỷ đồng...
Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất của hoạt động ngân hàng trên địa bàn là thiếu nguồn vốn. Để khắc phục khó khăn này, các TCTD đã sử dụng đa dạng các hình thức huy động vốn, đẩy mạnh khả năng huy động vốn tại chỗ, nâng cao các dịch vụ ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng tăng của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và các hộ gia đình tại địa phương. Nếu như năm 2001, các TCTD thuộc khu vực ĐBSCL chỉ huy động được 9.402 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 4,04% tổng vốn huy động của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế) thì sau 10 năm, vốn huy động các TCTD thuộc khu vực ĐBSCL đã đạt 167.511 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 6,08% tổng vốn huy động), tăng gấp 18 lần so với năm 2001.
Tiềm năng của khu vực ĐBSCL là rất lớn, đây cũng là một vùng kinh tế trọng điểm, thu hút các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tập trung nguồn vốn, cung cấp sản phẩm dịch vụ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp và người dân, đồng thời góp phần thúc đẩy liên kết để tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.

Nghệ nhân Đặng Đức Dũng - Đại diện BQT Gia Định cổ tiền hướng dẫn các vị Lãnh đạo Đảng và Nhà Nước tham quan triển lãm tiền nước Việt.
Tham gia Hội chợ - Triển lãm lần này, gian hàng của ngành Ngân hàng với chủ đề “Ngân hàng Việt Nam vì sự phát triển vùng ĐBSCL” đã mang đến nhiều hình ảnh, tư liệu thể hiện sự đóng góp của ngành Ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, quan hệ của các Ngân hàng với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và nông dân trong vùng, cũng như nhiều tiện ích, dịch vụ mới của ngân hàng như máy rút tiền tự động, thẻ thanh toán… đáp ứng nhu cầu của khách hàng tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Gian hàng của ngành Ngân hàng đã vinh dự được các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như đông đảo khách hàng tới thăm quan ngay sau Lễ khai mạc.
Triển lãm - Hội chợ thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển ĐBSCL sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày 01/5/2012.
XT- CKH (nguồn : Ngân Hàng Nhà Nước ( http://www.sbv.gov.vn ))